Tư tưởng đạo đức Nho gia
Nho giáo là một học thuyết chính trị - đạo đức ra đời và tồn tại đến nay đã hơn 2500 năm.
Nho giáo được ra đời ở thời Xuân Thu do Khổng Tử sáng lập. Sau khi ông mất, tư tưởng của ông đã
được các thế hệ học trò kế thừa. Khổng Tử và các học trò của ông đã thấy được sức mạnh và vai trò to lớn
của đạo đức đối với xã hội. Vì vậy, nội dung quan trọng của Nho giáo là luận bàn về đạo đức.
Đạo nghĩa là con đường, về mặt luân lí Đạo được hiểu là con đường sáng, đúng đắn ngay thẳng mà
mọi người phải đi theo để duy trì trật tự kỉ cương lễ nghĩa trong xã hội.
Đức là tính chất về mật luân lí đức là những phẩm chất tốt đẹp mà con người cần phải có, như vậy
thuận theo đạo chính là đức.
Như vậy tư tưởng đạo đức của Nho gia bao gồm 2 phần nội dung cơ bản đó là phần đạo tức là các
quan hệ đạo đức xã hội cơ bản hay còn gọi là các luân, phần thứ 2 là phần đức là các phẩm chất đạo đức
cá nhân.
Mỗi một quan hệ xã hội đều mang một giá trị đạo đức nhất định và có chuẩn mực riêng của nó để
điều chỉnh hành vi con người. Trường phái Nho gia đưa ra nhiều quan hệ đạo đức khác nhau. Theo Khổng
Tử, đạo là năm mối quan hệ xã hội cơ bản của con người được gọi là nhân luân, Mạnh Tử gọi là ngũ luân:
Quan hệ Quân – thần (vua – tôi), Phụ - Tử(cha – con) Phu – Phụ (chồng - vợ), anh em, Bằng – Hữu (bạn
bè). Trong đó, ba mối quan hệ cơ bản nhất, Đổng Trọng Thư gọi là Tam cương - ba sợi dây ràng buộc con
người từ trong quan hệ gia đình đến ngoài xã hội.
Đức chính là các phẩm chất quan trọng nhất mà con người cần phải có để thực hiện tốt các mối quan
hệ cơ bản trên. Trường phái Nho gia đưa ra rất nhiều phẩm chất con người cần có. Khổng Tử nhấn mạnh
“Tam đức” (nhân, trí, dũng); ở Mạnh Tử là “Tứ đức” (nhân, nghĩa, lễ, trí); Đổng Trọng Thư là “ngũ thường”
(nhân, nghĩa, lễ, trí, tín).
Tam cương và ngũ thường được kết hợp và gọi tắt là đạo cương - thường. Cương - thường là nội
dung cơ bản trong đạo làm người của Nho giáo, là nguyên tắc chi phối mọi suy nghĩ, hành động và là
khuôn vàng thước ngọc để đánh giá phẩm hạnh của con người. Một mặt, đạo cương - thường góp phần
điều chỉnh hành vi của con người, đưa con người vào khuôn phép theo chế độ lễ pháp các triều đại phong.
Cương - thường là nhân tố quan trọng làm cho xã hội ổn định theo thứ bậc, là cơ sở đảm bảo quyền thống
trị của thiên tử. Mặt khác, đạo cương - thường với nội dung “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, “phụ
xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” (vua xử bề tôi chết, bề tôi không chết là không có lòng trung, cha xử con
chết, con không chết là không có hiếu) là sợi dây trói buộc con người, làm cho con người thụ động trong
cả suy nghĩ và hành động
Phạm trù Nhân (đức nhân). Tất cả các phạm trù đạo đức khác đều xoay quanh phạm trù trung tâm
này. Từ đức nhân mà phát ra các đức khác và các đức khác lại quy tụ về đức này.
Phạm trù đức nhân tuy bao chứa nhiều nội hàm khác nhau, song cái gốc và cốt lõi của nhân là hiếu
đễ. Theo Khổng Tử, tình cảm giữa cha mẹ và con cái, giữa chồng và vợ, giữa anh em với nhau (quan hệ gia
đình) là những tình cảm tự nhiên, vốn có thuộc về bản tính con người
Nhân còn gắn liền với Nghĩa (nghĩa vụ, thấy việc đúng cần phải làm để giúp người). Khổng Tử cho
rằng người quân tử cần chú ý đến nghĩa và coi thường lợi. Muốn thực hiện nhân, nghĩa thì cần có lòng
dũng cảm (dũng) và có Trí (trí tuệ). Có trí mới biết cách giúp người mà không làm hại đến người, đến
mình, mới biết yêu và ghét người, mới biết đề bạt người chính trực và gạt bỏ người không ngay thẳng.
Tuy nhiên, trí theo Khổng Tử và các môn đệ của ông không phải là những tri thức phản ánh thực tại khách
quan của tự nhiên và xã hội để từ đó chỉ đạo hành động của con người mà là những tri thức mang tính
giáo điều, chỉ gói gọn trong sự hiểu biết sách vở của Nho giáo
4
Như vậy, đối với Khổng Tử, nhân chính là đạo lý làm người, vừa thương người (ái nhân), vừa phải
giúp người (cứu nhân). Ông cho rằng, khi thi hành điều nhân phái phân biệt thân sơ, trên dưới.
Về phạm trù Nghĩa: là sự hiểu biết và làm theo lẽ phải. Đây là một hành vi mang tính tự nguyện, tự có
nhận thấy phải, thấy đúng thì làm theo không bị ràng buộc từ phía sau.
Về phạm trù Lễ, theo Nho giáo, lễ là quy định về mặt đạo đức trong quan hệ ứng xử giữa người với
người. Con cái phải có hiếu với cha mẹ, bề tôi phải trung với vua, chồng vợ có nghĩa với nhau, anh em phải
trên kính dưới nhường, bạn bè phải giữ được lòng tin. Những quy tắc này là bất di bất dịch mà ai cũng
phải tuân theo. Lễ là sợi dây buộc chặt con người với chế độ phong kiến tập quyền. Tư tưởng lễ của Nho
giáo có tính hai mặt. Về ý nghĩa tích cực, tư tưởng lễ đã đạt tới mức độ sâu sắc, trở thành thước đo, đánh
giá phẩm hạnh con người. Sự giáo dục con người theo lễ đã tạo thành một dư luận xã hội rộng lớn, biết
quý trọng người có lễ và khinh ghét người vô lễ. Về mặt hạn chế, lễ là sợi dây ràng buộc con người làm
cho suy nghĩ và hành động của con người trở nên cứng nhắc theo một khuôn phép cũ; lễ đã kìm hãn sự
phát triển của xã hội, làm cho xã hội trì trệ.
Phạm trù Tín là đức tính thứ năm trong Ngũ thường. Tín có nghĩa là lời nói và việc làm phải thống
nhất với nhau, là lòng tin của con người với nhau. Tín góp phần củng cố lòng tin giữa người với người.
Trong ngũ luân thì tín là điều kiện đầu tiên trong quan hệ bè bạn. Tuy nhiên, nội hàm của đức tín không
chỉ bó hẹp trong mối quan hệ duy nhất này mà nó còn bao gồm cả lòng tin vô hạn vào đạo lý của bậc
thánh hiền và các mối quan hệ vua tôi, cha con, chồng vợ. Theo quan niệm của Nho giáo thì đức tín là nền
tảng của trật tự xã hội.
Để thực hiện nhân và lễ, Khổng tử đã nêu ra tư tưởng chính danh (danh nghĩa là tên gọi, danh phận,
địa vị; chính có nghĩa là đúng, là chấn chỉnh lại cho đúng tên gọi và danh phận). Do đó, chính danh là làm
cho mọi người ai ở địa vị nào, danh phận nào thì giữ đúng vị trí và danh phận của mình, cũng không dành
vị trí của người khác, không lấn vượt và làm rối loạn. Vì vậy, để xã hội ổn định thì mọi người cần làm đúng
danh phận. Theo ông, “Danh không chính thì lời nói chẳng thuận, lời nói không thuận thì việc chẳng nên,
việc không nên thì lễ nhạc chẳng hưng vượng, lễ nhạc không hưng vượng thì hình phạt chẳng trúng, hình
phạt không trúng ắt dân không biết xử trí ra sao. Chính danh không những chỉ là nội dung tư tưởng chính
trị của Nho giáo, mà còn mang ý nghĩa đạo đức, là một yêu cầu về mặt đạo đức của con người. Ý nghĩa tích
cực của tư tưởng chính danh là làm cho con người ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình một cách
rõ ràng trong các mối quan hệ xã hội. Tư tưởng này còn kìm hãm tự do của nhân cách tới mức không chấp
nhận bất kì sáng kiến nào của con người, làm cho con người luôn ở trạng thái nhu thuận, chỉ biết phục
tùng theo chủ .
Thuyết đức trị nhân trị: Hầu hết các nhà Nho gia đều cho rằng bản tính của con người là thiện nên chỉ
cần giáo hóa con người giữ được bản tính thiện là đủ, không cần phải định dạng. Vì bản tính con người
là thiện nên trong việc trị nước Nho gia chủ trương lấy đức để trị, lấy nhân để trị không cần hình, pháp.
Muốn vậy họ cho rằng cần phải thực hiện một số chính sách cơ bản: Phải giáo hóa dân,phải dạy cho dân
biết lễ nghĩa vì dân biết lễ nghĩa sẽ dễ sai khiên hơn. Phải dưỡng dân, nuôi dân no đủ, phảo tạo cho dân
có sản nghiệp, giảm đóng góp của dân thực hiện chế độ phân phối cân bằng trong dân. Phải bằng con
đường nêu gương đạo đức để dân tin, dân theo muốn vậy kẻ trị dân phải là người có đức sáng và vua phải
là người có đức sáng.
Mặc dù có những quan niệm khác nhau, nhấn mạnh đức này hay đức khác của con người nhưng nói
chung, các nhà nho đều cho rằng con người cần phải có những phẩm chất đạo đức cơ bản: nhân, nghĩa, lễ,
trí, tín.
Ảnh hưởng của tư tưởng đạo đức Nho giáo ở nước ta hiện nay
Nho giáo được du nhập vào nước ta và đã tồn tại trong suốt thời kỳ phong kiến. Do có thời gian tồn
tại lâu dài, do được các triều đại phong kiến tiếp thu và sử dụng có mục đích, cho nên Nho giáo có ảnh
hưởng sâu rộng ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, tư tưởng đạo đức Nho giáo đã trở thành cơ sở cho đạo đức
thời phong kiến Việt Nam và ngày nay ảnh hưởng của nó vẫn còn.
Đức Nhân, Nghĩa của Nho giáo đã làm cho con người có sự đối xử nhân ái, khoan dung, độ lượng với
nhau. Đức lễ, với hệ thống các qui định chặt chẽ đã giúp con người có thái độ và hành vi ứng xử với nhau
theo thứ bậc, theo khuôn phép. Xét theo phương diện pháp luật thì lễ của Nho giáo có tác dụng tích cực
trong việc duy trì trật tự, kỷ cương của xã hội, ngày nay chúng ta có thể kế thừa. Nho giáo quan niệm
5
trong nước cần phải có pháp lễ (luật pháp) thì nước mới nghiêm; trong gia đình phải có gia pháp thì mới
có trên có dưới. Điều này đã tạo cho con người nếp sống trên kính dưới nhường. Tư tưởng chính danh
giúp cho con người xác định được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình để từ đó suy nghĩ và xử thế đúng
trong các quan hệ xã hội.
Với việc đề cao tu thân, coi đây là cái gốc trong rèn luyện nhân cách, Nho giáo đã tạo nên một lớp
người sống có đạo đức. Trong lịch sử dân tộc Việt nam đã có nhiều tấm gương sáng ngời về đạo đức của
các vị vua, của các anh hùng hào kiệt. Người làm quan phải có đức, phải lấy nhân nghĩa, lấy chữ tín làm
mục tiêu để cảm hóa lòng người, để cai trị. Ngày nay tư tưởng nêu trên vẫn còn nguyên giá trị. Người cán
bộ trong bộ máy nhà nước phải có đức, đó là điều kiện đầu tiên để dân tin yêu, kính phục.
Bên cạnh ảnh hưởng tích cực, Nho giáo cũng có một số tác động tiêu cực, cụ thể là:
Một số người do quá “trọng đức”, “duy tình” trong khi xử lý các công việc và các mối quan hệ xã hội,
dẫn đến buông lỏng kỷ cương phép nước và vi phạm pháp luật. nhiều người khi có chức quyền đã kéo bè
kéo cánh, đưa người thân, anh em họ hàng vào cơ quan mình đang quản lý. Nhiều người vì quan hệ thân
thuộc mà không dám đấu tranh với những sai lầm của người khác. Do quan niệm sai lệch về đức Nhân
Nghĩa với nội dung đền ơn trả nghĩa mà trong thực tế một số cán bộ có thái độ ban ơn, cố tình lợi dụng kẽ
hở của chính sách và luật pháp để trục lợi, móc ngoặc, hối lộ, cửa quyền.Việc coi trọng lễ và cách giáo dục
con người theo lễ một cách cứng nhắc, bảo thủ là cơ sở cho tư tưởng tôn ti, tư tưởng bè phái, cục bộ, đề
cao địa vị, coi thường lớp trẻ, trọng nam khinh nữ… hiện nay vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ và hành động
của không ít người. Thực chất đạo cương – thường của Nho giáo là bắt bề dưới phải phục tùng bề trên
đã tạo nên thói gia trưởng. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang rất cần
những con người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Vì quan hệ thứ bậc đã tạo nên quan niệm chạy theo chức quyền. Hơn nữa, khi có chức, không những
bản thân được vinh hoa phú quý mà “một người làm quan cả họ được nhờ”. Hám danh, tìm mọi cách để
có danh, để thăng quan, tiến chức đã trở thành lẽ sống của một số người. Sự giáo dục và tu dưỡng đạo đức
của Nho giáo còn mang tính cứng nhắc đã tạo nên những con người sống theo khuôn mẫu, hành động một
cách thụ động. Những tàn dư tư tưởng trên đang làm cản trở và gây khó khăn cho việc xây đựng đạo đức
mới và xã hội mới ở nước ta hiện nay.
Qua những điều phân tích ở trên có thể thấy rằng, tư tưởng đạo đức Nho giáo đã có ảnh hưởng
đáng kể ở nước ta. Sự tác động, ảnh hưởng này ở hai mặt vừa có tính tích cực, vừa có những hạn chế nhất
định. Để xây dựng đạo đức mới cho cơn người Việt Nam hiện nay chúng ta cần kế thừa mặt tích cực, đồng
thời khắc phục và xóa bỏ dần những ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng đạo đức Nho giáo. Công việc này
phải được tiến hành thường xuyên, kiên trì và lâu dài.