Triết lí nhân sinh của đạo Phật và ảnh hưởng của nó ở Việt Nam
Phật giáo (Buddha)ra đời ở Ấn Độ vàokhoảng thế kỷ thứ VI-TCN, là một trong những tôn giáo lớn
trên thế giới với hệ thống giáo lý đồ sộ. Người sáng lập ra đạo Phật là Đức Thích Ca Mâu Ni - “đấng giác
ngộ”, họ tên là Gauthanma Shiddartha, sinh năm 563 TCN tại Kapilavatsu. Năm 19 tuổi, ngài kết hôn, có
một con trai. 29 tuổi ngài xuất gia, 35 tuổi đắc đạo, Đức Phật tịch lúc 80 tuổi (năm 483-TCN).
Phật giáo xuất hiện trong điều kiện kinh tế-chính trị-xã hộiphức tạp: nhà nước chiếm hữu nô lệ đã
xuất hiện với chế độ phân chia đẳng cấp khắc nghiệt, có 4 đẳng cấp chính là: Tăng lữ (được coi là đẳng cấp
cao quý của xã hội), quý tộc (nắm quyền lãnh đạo Nhà nước), bình dân và nô lệ; Tôn giáo thống trị trên tất
cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; Xã hội trì trệ kéo dài do ảnh hưởng của chế độ công xã nông thôn; Văn
hóa, khoa học khá phát triển. Thời kỳ đó, Đạo Phật cùng với Lokayata và Jaina là những phái thuộc trường
phái không chính thống (hay tà giáo) – là những phái không thừa nhận một số nội dung nào đó của kinh
Veda và đạo Bà-la-môn.
Tại Việt Nam, Phật giáo được du nhậptừ thế kỷ II-SCN, trải qua nhiều giai đoạn cùng với chiều dài
lịch sử dân tộc. Trong suốt thời kỳ ấy, triết lý nhân sinh của đạo Phật luôn ảnh hưởng khá sâu sắc đến đời
sống tinh thần người Việt.
Triết lý nhân sinh và ảnh hưởng của Đạo Phật ở Việt Nam được thể hiện qua những nét chính như sau:
1. Triết lí nhân sinh của đạo Phật
Phật giáo bác bỏ “sự tồn tại” của Brahman, “đấng sáng tạo” và “ngã”(Atman) của Upanishad nhưng
lại tiếp thu tư tưởng “luân hồi”(Samsara) và “nghiệp”(Karma) của Upanishad trong toàn bộ hệ thống
triết học Ấn Độ cổ. Thích ca Mâu ni đã đưa ra thuyết “Tứ diệu đế” và “Thập nhị nhân duyên” để giải thoát
chúng sinh ra khỏi mọi nỗi khổ và kiếp nghiệp báo, luân hồi. Đây là tư tưởng triết lý nhân sinh quan chủ
yếu của đạo Phật.
“Tứ diệu đế” là bốn chân lý vĩnh hằng, thiêng liêng của cuộc đời gồm có: Khổ đế, Nhân đế, Diệt đế và
Đạo đế.
Khổ đế:Phật giáo quan niệm đời người là bể khổ, tồn tại là khổ, “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn
nước biển”. Các nỗi khổ của con người thể hiện trong Bát khổ: “Sinh khổ”; “Lão khổ”; “Bệnh khổ; “Tử
khổ”; “Ái biệt ly khổ” (yêu nhưng phải chia li); “Sở cầu bất đắc khổ” (muốn nhưng không được); “Oán
tăng hội khổ” (oán ghét nhưng phải ở cùng) và “Ngũ thụ uẩn khổ” (sự tồn tại của con người trên đời đã là
khổ. "ngũ thụ uẩn" là chỉ 5 yếu tố tạo thành con người theo quan điểm của đạo Phật).
Mọi nỗi khổ đều có nguyên nhân của nó. Sự thực cái khổ này vừa là để tác quả vừa là để tạo nhân.
Nhân đế(Tập đế): Phật giáo giải thích nguyên nhân mọi nỗi khổ của con người. Phật khẳng định
rằng tất cả mọi nỗi khổ của con người đều có nguyên nhân của nó. Các nguyên nhân của nỗi khổ thể hiện
qua "Tam độc" gồm "Tham" (nhiều ham muốn), "Sân" (nhiều tình cảm tiêu cực) và "Si" ( vô minh – là sự
hiểu biết lệch lạc, ngu muội). Từ "Tam độc" mà biểu hiện ra thành “Thập nhị nhân duyên” (12 nỗi khổ
của con người), bao gồm: vô minh, duyên hành, duyên thức, duyên danh sắc, duyên lục nhập, duyên xúc,
duyên thụ, duyên ái, duyên thủ, duyên hữu, duyên sinh và duyên lão tử. Trong đó, "vô minh" là nguyên
nhân của mọi nguyên nhân. Giữa những nguyên nhân này có sự liên hệ khăng khít với nhau, mỗi nguyên
nhân vừa để tác quả vừa là tạo nhân .
Vô minh là sự mông muội mờ tối không sáng tỏ của tâm trí con người. Vô minh là không nhận thức
được bản chất của vạn pháp và không thấu triệt được chân bản tính của mình.Vô minh là duyên lớn nhất,
nó là xuất phát điểm của mọi nỗi khổ.
Hành: có nghĩa là hành động tạo tác theo ý muốn của mìnhvà do hành đông tạo tác nên tạo ra nghiệp.
Tất cả những tư tưởng, lời nói, việc làm thiện và bất thiện đều nằm trong hành. Chúng trực tiếp bắt nguồn
từ vô minh hay gián tiếp từ vô minh thúc đẩy và nhất định đều tạo nghiệp.
Thức: là ý thức, biết ta là ta. Do thức mà có danh sắc phát sinh ý thức, là quả cho hành và lại là nhân
cho danh sắc.
Danh sắc: là tên và hình. Danh sắc phát sinh cùng một lúc với thức tái sinh. Nếu hành và thức thuộc về
kiếp quá khứ và hiện tại của một chúng sinh, thì thức và danh sắc lại cùng phát sinh trong một kiếp sống.
Do đó danh sắc (tức tên và hình của ta) mà có lục căn tiếp xúc tiếp nhận sự tác động của ngoại giới. Mỗi căn
(tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý) đều có những đối tượng và sinh hoạt riêng biệt. Mỗi đối tượng của lục căn (sắc,
thanh, hương, vị, xúc, pháp) chạm với mỗi căn liên hệ, làm phát sinh một loại thức.
Lục nhập: sự tiếp xúc tác động qua lại giữa lục căn với lục trần tạo ra lục thức (thị thức, thính thức,
khứu thức, vị thức, xúc thức)
Xúc: là điểm giao hợp liên quan của ba yếu tố “căn”, “trần” và “thức”.
Thụ: Do xúc mà có thụ, đó là xúc làm quả cho lục căn và làm nhân cho thụ. Thụ là tiếp thụ, thu nhận các
tác động của đối tượng vào mình khi các đối tượng ấy tiếp xúc với các giác quan.
Ái: Do có thụ cảm, thu nhận, tiếp thụ mà có ái, ấy là thụ là quả cho xúc mà lại làm nhân cho ái phát sinh.
Ái là luyến ái, khao khát yêu thích, là ham muốn.
Thủ: là giữ lấy, cố bám lấy vật mà mình ham muốn. Nguyên nhân của thủ chính là do luyến ái lầm
lạc.Do thủ mà phát sinh ý nghĩ sai lầm là “tôi” và “của tôi”. Ấy là thủ làm quả cho ái và làm nhân cho hữu.
Hữu: là có tồn tại, hiện hữu, có ta với sắc, thụ, tưởng, hành, thức nên mới có ái dục gây nên nghiệp. Hữu
là hành động tạo nghiệp thiện và bất thiện và những cảnh giới của chúng sinh.
Như vậy, hành và hữu đều là hành động tạo nghiệp nhưng nếu hành là hành động trong quá khứ thì
hữu là hành động trong hiện tại. Do hữu mà có sinh, ấy là hữu làm quả cho thủ và lại làm nhân cho sinh.
Sinh: là ta sinh ra ở thế gian. Có sinh tất có lão tử, ấy là sinh làm quả cho hữu và làm nhân cho lão tử.
Lão tử: là già và chết. Đã sinh ra tất phải có già và chết. Nhưng sống và chết, sinh và tử là hai mặt đối
nhau mà không tách rời nhau như sáng và tối, âm và dương níu kéo con người trong vòng sinh tử luân hồi.
Diệt đế: là giải thoát luận và cũng là lý tưởng luận của Phật giáo. Phật giáo quan niệm mọi nỗi khổ
đều có thể tiêu diệt được. Khi chấm dứt được khổ thì đó là lúc con người được giải thoát, con người được
tự do, tự tại làm chủ được mình, không bị ngoại cảnh chi phối, không bị chìm đắm trong luân hồi. Theo
triết lý Phật giáo muốn vậy phải diệt mọi ái dục, dứt bỏ được vô minh, đạt tới sự sáng tỏ trong tâm con
người đưa chúng sinh tới Niết bàn. Niết bàn được hiểu là chấm dứt mọi thứ, là tịch diệt.
Đạo đế: là cách thức, con đường để được giải thoát khỏi nỗi khổ hay con đường diệt khổ. Con đường
đó không phải là cách tu luyện khổ hạnh, cũng không phải là chìm đắm trong dục lạc thấp hèn thô bỉ.
Thực chất con đường đó là diệt dục vọng, xóa bỏ vô minh, giác ngộ và giải thoát. Có tám con đường để
đạt đến sự giải thoát. Phật giáo gọi là “bát chính đạo”. "Bát chính đạo" sẽ giúp con người loại bỏ "thập nhị
nhân duyên". "Bát chính đạo" bao gồm:
Chính kiến: nhận thức đúng, nhìn nhận rõ phải trái, không để những điều sai trái che lấp sự sáng suốt
của mình.
Chính tư duy: suy nghĩ đúng đắn để đạt được tới chân lý và giác ngộ.
Chính ngữ: chỉ nói những điều đúng đắn, điều phải, điều tốt hay nói cách khác là giữ lời nói được chân
chính. Cụ thể: không nói dối (không nói sai sự thật); không nói những điều tạo ra sự bất hòa; không nói
những lời ác dữ; không nói những lời thừa vô ích, những lời hoa mỹ, phải nói đúng lúc, hợp thời, hữu ích.
Tất cả những cái đó dựa trên cơ sở giới vô lậu (phòng ngừa, ngăn cấm sự sai trái của tâm, xa lìa mọi cái
phiền não).
Chính nghiệp: hành động, làm việc đúng đắn, không làm những điều tàn bạo gian ác, giả dối, tà dâm.
Chính mệnh: sống đúng đắn, trung thực, nhân nghĩa, không tham lam, gian tà vụ lợi.
Chính tinh tiến: nỗ lực, sáng suốt vươn lên một cách đúng đắn; tích cực truyềnn bá chân lý đạo Phật.
Chính niệm: phải luôn tâm niệm và suy nghĩ đến đạo lý chân chính, đến điều tốt được Phật răn dạy,
không được nghĩ đến điều xấu xa, bạo ngược và tà đạo.
Chính định: kiên định, tập trung tư tưởng tâm trí vào con đường đạo lý chân chính, thoát li khỏi bên
ngoài, không để bất cứ điều gì làm lay chuyển tâm trí.
Tám điều trên liên hệ mật thiết với nhau và được phân thành ba nhóm gọi là “tam học”: giới (gồm
chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh), định (gồm chính niệm, chính định, chính tinh tiến), tuệ (gồm chính
kiến, chính tư duy).
Giới là phòng ngừa, ngăn cấm sự sai trái của thân, tâm. Ngũ giới (năm điều răn) gồm bất sát sinh, bất
đạo tặc, bất dâm dục, bất vọng ngữ, bất ẩm tửu.
Định là rèn luyện tâm lý, ý nghĩ thoát li khỏi tác động của bên ngoài.
Tuệ là thông đạt lý vô vi, hiểu rõ bản thể tuyệt đối để diệt "vô minh".
Tóm lại, cứu vớt và giải thoát luôn là mục đích và nội dung của nhân sinh quan tư tưởng triết học đạo
Phật. Qua các giáo lý trên của Phật giáo ta thấy rõ những giá trị nhân văn mà Phật giáo đã đạt đến, đó là:
Đứng trước phật, mọi người đều bình đẳng; Coi con người chiếm địa vị độc tôn trên thế giới; Luôn tôn
trọng sự sống, xem sự sống trên tất cả; Coi cái “ngã” là con người lớn để biểu thị chân lý tự do, tự tại của
con người trong trời đất; Phật giáo có mục đích đưa con người trở về với chân-thiện-mỹ.
Tuy nhiên, nhân sinh quan Phật giáo có sự hạn chế đó là để đạt mục đích giải thoát, Phật giáo lại thực
hiện bằng cách loại bỏ dần nguyên nhân của sự tồn tại của thế giới hiện thực. Bởi lẽ: đối tượng giải thoát
và cứu rỗi của Phật giáo là tất cả chúng sinh không phân biệt sang hèn, giàu nghèo,nam nữ,già, trẻ. Tất cả
đều có thể giải thoát, đều có thể thành Phật. Bản thân Phật cũng không phải là vị thánh thần mà là một
con người đã giải thoát, đã giác ngộ. Đỉnh cao của giải thoát đó là Niết Bàn. Đó là trạng thái tâm hồn hoàn
toàn được giải thoát, tĩnh lặng, trong sáng thanh tịnh, cực lạc siêu không gian, siêu thời gian; Phật giáo
cho rằng cuộc đời là giả, ảo, mọi ham muốn đời thường đều là tội lỗi. Tuy nhiên, Niết bàn - cái mà Phật
cho là thực tại thì hóa ra chỉ là điều tưởng tượng thuần túy, không có gì làm bằng chứng.
2. Ảnh hưởng của Phật giáo ở Việt Nam
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam khoảng từ thế kỷ II-SCNbằng đường biển và đường bộ từ Ấn Độ
và Trung Quốc tại Giao Chỉ và Chăm Pa, trải qua bốn giai đoạn chính, đó là: Đầu công nguyên đến thời Bắc
thuộc, hình thành và phát triển; Thời nhà Lý, Trần, phát triển cực thịnh; Thời Hậu Lê đến cuối thế kỷ XIX,
chính thức suy thoái; Đầu thế kỷ XX đến nay, là thời kỳ phục hưng.
Người Việt Nam có tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương con người sâu sắc, rộng lớn cùng với
thái độ tôn trọng, đề cao những giá trị tốt đẹp của con người rất phù hợp với các quan niệm của Phật giáo.
Vì thế mà từ lâu Phật giáo đã chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần người dân Việt.
Biểu hiện đầu tiên của sự ảnh hưởng đó chính là đời sống chính trị và pháp luật. Dưới thời Lý, do
ảnh hưởng tinh thần từ bi, trí tuệ của Phật giáo, các vị vua nhà Lý đã xây dựng một nền pháp lý thuần từ
và tiến bộ; Dưới triều Trần, áp dụng chính sách thân dân, xem trọng vai trò của người dân và các vị vua
thường nhường ngôi cho con, chỉ ở địa vị thái thượng hoàng mà thôi, đây là biểu hiện việc thông tỏ phật
pháp; Thời hiện đại, trong suốt thế kỷ XX, phật tử và nhân dân hăng hái tham gia kháng chiến chống thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, sự có mặt của các thiền sư trong quốc hội và việc
áp dụng chính sách pháp luật khoan hồng là những biểu hiện sinh động ảnh hưởng của Phật giáo trong
đời sống chính trị và pháp luật.
Sự ảnh hưởng tiếp theo là trong lĩnh vực văn học, ca dao dân ca. Trong phạm vi văn học chữ Nôm,
sự ảnh hưởng của Phật giáo rất mạnh mẽ, biểu hiện: Đầu thế kỷ XVIII, với tác phẩm Cung oán ngâm khúc
của Nguyễn Gia Thiều, ảnh hưởng triết lý ba pháp ấn là vô thường, vô ngã và khổ; Đầu thế kỷ XIX, nổi bật
vai trò của đại thi hào Nguyễn Du với tác phẩm bất hủ Đoạn trường tân thanh, ảnh hưởng thuyết khổ đế,
nhân quả, nghiệp báo luân hồi; Cuối thế kỷ XIX với tác phẩm Hương sơn phong cảnh ca của Chu Mạnh
Trinh, ảnh hưởng thuyết nhân quả, cõi Niêt Bàn; Đầu thế kỷ XX, nổi bật làthi sỹ Hàn Mặc Tử với những từ
ngữ đượm màu sắc Phật giáo. Ảnh hưởng qua ca dao dân ca biểu hiện ở quan niệm hiếu hạnh, tri ơn và
báo ơn; Quan niệm nhân quả; Ngôi chùa cùng với tiếng chuông chùa… Ngoài ra còn chịu ảnh hưởng bởi
ngôn ngữ nhà phật, như: Từ bi, nhân duyên, tội nghiệp,…
Tiếp đến là ảnh hưởng đến quan niệm đạo lý, tư tưởng. Về quan niệm, đầu tiên là quan niệm từ bi,
tiếp theo là tứ ân. Về tư tưởng, lớn nhất là tư tưởng duyên khởi, tứ diệu đế và bát chính đạo.
Một ảnh hưởng nữa là trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng. Trước tiên biểu hiện qua nghi thức ma
chay, cưới hỏi. Tiếp đến là phong tục ăn chay, thờ phật, phóng sinh, bố thí. Qua tập tục cúng rằm, mồng
một và lễ chùa. Và những tập tục khác như: Xin xăm bói quẻ, cúng sao giải hạn, đốt vàng mã, coi ngày
giờ,… tuy nhiên, những tập tục trên đang ngày càng biểu hiện sang trạng thái hủ tục, mê tín dị đoan.
Ảnh hưởng đến ý thức thẩm mỹ, nghệ thuật. Biểu hiện qua nghệ thuật sân khấu như hát chèo, hát bội,
cải lương, kịch nói,… ; qua nghệ thuật tạo hình như kiến trúc (nhà chữ Công, chữ Tam, chữ Đinh, Nội công
ngoại quốc,…), điêu khắc, hội họa,…
Ngoài ra, Phật giáo còn có ảnh hưởng đến văn hóa kinh doanh của người Việt Nam, biểu hiện qua việc
lập bàn thờ tại nơi làm việc, các nhà kinh doanh thường đi lễ chùa để cầu xin đức phật gia hộ, cạnh tranh
lành mạnh, làm từ thiện vì chịu ảnh hưởng thuyết nhân quả, luân hồi nghiệp báo,…
* KẾT LUẬN
Triết lý nhân sinh Phật giáo nhìn nhận đúng đắn ở nhiều góc độ đã mang lại nhiều giá trị. Từ đó,
chúng ta chắt lọc được những giá trị ưu việt này để áp dụng vào công tác giáo dục đạo đức, nhân cách con
người, góp phần làm lành mạnh hóa xã hội, hạn chế mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường.Đồng thời,
chúng ta cũng cần đấu tranh chống lại việc lợi dụng và cố tình hiểu sai để biến một số biểu hiện trong
Phật giáo thành những hủ tục, mê tín dị đoan, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người và xã hội. Việc
đánh giá, nhìn nhận về tầm ảnh hưởng, về vị trí và vai trò của Phật giáo trong nền văn hóa và lịch sử của
dân tộc cần phải dựa trên tinh thần khoa học và khách quan để nhận rõ những mặt thiếu sót, lạc hậu, tệ
nạn nhằm hạn chế, loại bỏ cũng như nhìn thấy mặt tích cực hữu ích để duy trì và phát triển.